Thói quen của nhiều gia đình thường bị thay đổi trong những ngày lễ Tết như dành thời gian đi chơi xa, thăm hỏi người thân, bạn bè. Chế độ ăn uống, vận động cũng thay đổi theo hướng quá tải hoặc qua loa. Thiếu ngủ nghỉ phù hợp có thể khiến sức khỏe tuột dốc rất nhanh.

BS.CKII Thân Thị Minh Trung, Phó khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, chỉ vài đêm thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm trạng. Sau kỳ nghỉ lễ, mỗi người có thể lấy lại sức khỏe làm việc hiệu quả hơn nếu không mệt mỏi do thiếu ngủ.

Bốn cách dưới đây có thể giúp mỗi người thiết lập lại giấc ngủ đều đặn, hỗ trợ cơ thể phục hồi sau Tết, theo bác sĩ Minh Trung.

Bỏ qua các thức ăn Tết giàu năng lượng: Những đồ ngọt ngày lễ Tết có thể gây ra sự thay đổi lượng đường trong máu. Tiêu thụ thực phẩm có đường vào buổi tối muộn khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn. Ăn các thức ăn dư thừa nhiều năng lượng cũng khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa thức ăn, góp phần gây ra mệt mỏi, khó chợp mắt. Carbohydrate và protein cũng như chất béo tạo ra một loạt thay đổi nội tiết tố có thể thúc đẩy sự thay đổi serotonin – một loại hormone tạo cảm giác buồn ngủ.

Sau Tết, mỗi người nên ăn khẩu phần nhỏ hơn, thử thay thế các loại thực phẩm có đường và chất béo bằng các loại thực phẩm giàu chất xơ, chưa qua chế biến để làm chậm quá trình tiêu hóa, cảm thấy no lâu hơn.

Mọi người không nên tiếp tục ăn khuya như trong kỳ nghỉ Tết. Quá trình tiêu hóa chậm lại khi ngủ có thể dẫn đến chứng khó tiêu, ợ chua hoặc trào ngược axit, khiến bạn mất ngủ hoặc thức giấc. Tốt nhất, chúng ta nên ngừng ăn từ 2 tiếng trở lên trước khi muốn đi ngủ, có thể ăn một bữa ăn nhẹ nếu đói nhưng nên tránh thức ăn giàu chất béo. Để ngủ ngon, bạn cũng cần xem xét lượng nước uống.

Hạn chế bia rượu trong các tiệc tân niên: Nhiều người cho rằng rượu giúp đi vào giấc ngủ, nhưng nó thực sự làm giảm chất lượng giấc ngủ. Loại thức uống có cồn này có thể khiến bạn ngủ nhanh hơn trong phần đầu của đêm, tuy nhiên, làm gián đoạn giấc ngủ sau nửa đêm. Uống quá nhiều rượu trước khi đi ngủ, trong khoảng 4 giờ sẽ chuyển hóa thành aldehyde, chất này có thể làm gián đoạn giấc ngủ và đánh thức bạn. Để có giấc ngủ ngon hơn sau Tết, hãy cố gắng ngừng uống rượu hoặc uống ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ để giảm thiểu tác động.

Tranh thủ vận động để ngủ ngon hơn: Một chiến lược hiệu quả để có giấc ngủ ngon không thể không kể đến yếu tố tập thể dục thường xuyên. Bác sĩ Minh Trung cho biết, tập thể dục giúp giảm căng thẳng và thúc đẩy giải phóng các hormone “cảm thấy dễ chịu” được gọi là endorphin.

Tập thể dục có thể giúp bạn mất ít thời gian hơn để đi vào giấc ngủ và thức giấc trong đêm. Vận động cũng giảm căng thẳng và trầm cảm vốn dễ gặp trong những ngày lễ Tết. Từ đó, mọi người ngủ nhanh hơn và có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.

Đặt lịch ngủ định kỳ: Mọi người nên thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần hoặc sau lễ Tết. Hầu hết người lớn cần ngủ 7-9 tiếng mỗi đêm, trẻ em và thanh thiếu niên là 8-11 tiếng.

Phòng ngủ nên tối, yên tĩnh và giữ nhiệt độ từ 25-26 độ C, thay khăn trải giường hoặc chăn để phù hợp với thời tiết. Bạn nên duy trì các thói quen lành mạnh liên quan đến giấc ngủ như thư giãn, tắm nóng, uống một ly sữa ấm trước khi đi ngủ…

An Minh