World Golf Report do công ty Golf Datatech cùng thực hiện thường niên với Viện nghiên cứu Yano (Nhật) từ 2015.

Theo báo cáo mới nhất sẽ được công bố chi tiết trong tháng 3/2023, doanh thu gộp dụng cụ và trang phục golf trong năm ngoái chỉ kém bốn triệu USD so với 2021, nhưng tỷ lệ tăng trưởng lại tăng 30% so với 2019. “Mảng đồ chơi golf ăn nên làm ra trong hai năm gần đây. Rõ ràng, các nhà sản xuất đã đẩy mạnh hàng ra thị trường, khớp với nhu cầu trên toàn thế giới”, John Krzynowek, đại diện Golf Datatech, nhận xét trên Golf Digest.

Krzynowek nói năm 2022 không “cán đích” cao hơn do gặp khó khăn trong vài tháng ở chuỗi cung ứng. Vấn đề này khiến người mua chùn tay, chủ yếu vì lo hàng không đến tay trước khi mùa golf kết thúc.

Ngoài ra, doanh thu chung còn bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá tiền tệ, chi phí năng lượng tăng đột biến, chiến sự Ukraine và cả xu hướng quay lại các môn thể thao khác như trước 2020 – thời điểm bùng phát Covid-19 trên toàn cầu.

Tính theo quốc gia/vùng lãnh thổ, top 3 sức mua 2022 lần lượt là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ đạt gần 7,7 tỷ USD, hơn Hàn hai tỷ USD và bỏ cách Nhật 4,5 tỷ USD.

Trong khi đó, thêm Canada và Anh, cả top 5 chiếm đến 90% giá trị thương mại nếu gộp mảng mục tiêu trong World Golf Report. Báo cáo này thể hiện năm qua, Mỹ mua nhiều dụng cụ golf nhất khi chiếm 48% trong doanh số 11,1 tỷ USD, còn Hàn Quốc giữ đứng đầu về mua trang phục – chiếm 45% trong 8,9 tỷ USD.

National Golf Foundation (NGF) của Mỹ thống kê, “dân số golf” nước này trong năm 2022 đạt 41,1 triệu người. Trong đó, NGF chia thành 13,5 triệu dân đánh thực địa, 15,5 triệu dân chơi theo kiểu “off-course” và 12,4 triệu theo cả hai mô hình. Theo phân loại của NGF, “off-course” bao gồm sân tập, cơ sở chơi golf giả lập và các tổ hợp golf-giải trí hiện đại như Topgolf, Drive Shack…

Quốc Huy