Trẻ nhỏ thường bị phân tán bởi các hoạt động xung quanh, ít chú ý vào một việc nào đó và dễ bỏ ngang nhiệm vụ được giao. Tăng cường sự chú ý hay tập trung giúp trẻ giải quyết mọi việc hiệu quả hơn, chất lượng học tập cũng được nâng cao.
Theo Tiến sĩ Margret Nickels, nhà tâm lý học lâm sàng tại Viện Erikson, Chicago (Mỹ), phụ huynh nên rèn luyện khả năng chú ý của trẻ từ từ, không nên la hét để yêu cầu trẻ ngồi một chỗ, điều đó không giúp trẻ tập trung giải quyết vấn đề mà còn có thể tạo ra tâm lý chống đối.
Một số mẹo sau đây có thể giúp cải thiện khả năng chú ý của trẻ.
Chia nhỏ nhiệm vụ: Khi trẻ cảm thấy nhiệm vụ được giao quá khó, chúng sẽ bỏ qua không ngần ngại. Để giúp con giải quyết thách thức, phụ huynh nên đưa ra các hướng dẫn cho trẻ theo từng bước nhỏ, giải quyết từng mắt xích một rồi đến vấn đề tổng thể. Việc hoàn thành các thử thách nhỏ sẽ giúp trẻ thích thú hơn và tăng cường sự chú ý để giải quyết những nhiệm vụ tiếp theo.
Thêm độ khó cho nhiệm vụ: Những nhiệm vụ lặp đi lặp lại đơn giản như xếp một khối hình, làm một bài toán sẽ khiến trẻ cảm thấy nhàm chán. Người lớn nên biến các hoạt động buồn tẻ hằng ngày của con trở nên thú vị hơn bằng cách tăng thêm độ khó, thêm một chút sáng tạo. Ví dụ, thay vì yêu cầu con viết chữ S, chữ A lên giấy, bạn có thể cho con một nắm đá và đề nghị trẻ xếp thành những con chữ mong muốn. Những trải nghiệm mới sẽ tăng độ hấp dẫn cho nhiệm vụ và giữ trẻ được lâu hơn với nhiệm vụ đó.
Rèn luyện thể chất: Tập thể dục có thể giúp trẻ chú ý, nhất là trẻ tiểu học. Người lớn nên khuyến khích con chơi ngoài trời như đá bóng, nhảy dây, đạp xe…
Một phần thưởng: Khả năng chú ý của con bạn có thể được rèn luyện để trở nên mạnh mẽ hơn nếu chúng biết một sẽ được một phần thưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Bạn có thể yêu cầu trẻ giải một câu đố trước khi được ăn kẹo hoặc một món đồ chơi yêu thích sau khi ghép thành công một mô hình. Sự tập trung được rèn luyện dần dần có thể giúp trẻ tăng khả năng chú ý lâu dài.
Không để trẻ đói và mệt mỏi: Bạn đừng cho trẻ làm nhiệm vụ khi chúng quá đói hoặc mệt mỏi. Những món ăn nhẹ, lành mạnh chứa ít đường như bánh quy làm từ ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, sữa chua, trứng luộc chín, chuối táo sẽ có ích cho trẻ trong việc tăng khả năng chú ý. Ba mẹ cũng nên cho con ngủ ngon, đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý mỗi ngày, tránh để trẻ bị quá tải vì chúng ảnh hưởng nhiều đến khả năng tập trung của con bạn.
Khen ngợi những nỗ lực: Những lời khen ngợi sẽ khích lệ rất nhiều cho trẻ, giúp trẻ cố gắng hơn cho những nhiệm vụ sau. Sự quyết tâm này thôi thúc trẻ tập trung, chú ý hơn.
Anh Chi (Theo Parents)